Để học tốt lâm sàng: Những điều cần biết
Chào các bạn sinh viên thân mến ! Vậy là một năm học nữa lại bắt đầu. Quãng thời gian nghỉ hè ngắn ngủi nhưng bổ ích đã qua. Tạm quên đi những chuyến du lịch, pinic thú vị ; những buổi tụ tập trà sữa cafe rồi trò chuyện với bạn bè hay đơn giản chỉ là những giây phút nghỉ ngơi chia sẻ bên gia đình và người thân. Giờ là lúc chúng ta quay trở lại trường, bệnh viện để học tập với một thử thách tiếp theo cho năm học mới. Như các bạn đã biết khi lựa chọn, nghề y là một trong những nghề cao quý bởi tính nhân văn, tình thương và trách nhiệm. Đối tượng phục vụ của chúng ta không chỉ là những người đang mắc bệnh, mà còn cả những người muốn bảo vệ, nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Chính bởi lẽ đó, khối lượng và kiến thức của sinh viên y cần phải học trước khi ra trường là rất lớn; và cũng không thể phủ nhận một điều rằng học y là một ngành khó. Do đó, muốn đạt được kết quả học tập cao nhất, thiết nghĩ ngoài sự chăm chỉ, chịu khó và niềm đam mê, hăng say với nghề nghiệp, các bạn sinh viên cũng cần biết cách học, như người ta vẫn nói phải ‘giỏi học’ thì mới ‘học giỏi’ được. Bài viết này tác giả xin chia sẻ một vài kinh nghiệm học lâm sàng để các sinh viên bạn tham khảo. Học lâm sàng là một học phần đặc thù của ngành y. ‘Lâm’ là đến gần, là vào một hoàn cảnh nào đó; ‘sàng’ là cái giường (nghĩa giường bệnh) là một danh từ y khoa, chỉ những gì liên quan đến, xảy ra ở giường của người bệnh, bệnh viện. Học lâm sàng có nghĩa là học những gì xảy ra trên người bệnh tại bệnh viện bao gồm dấu hiệu, triệu chứng, biến chứng của một bệnh hay những phản ứng của người bệnh với tình trạng bệnh tật, những nhu cầu cần chăm sóc, phục hồi chức năng hay thậm chí là những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người bệnh, khách hàng. Việc học tại bệnh viện có chút khác với cách học trên mô hình tại các phòng skill-lab và càng khác so với học lý thuyết tại các phòng học ở trường. Một buổi học thực hành của các bạn sinh viên tại trường Để có kết quả tốt cho một đợt đi học lâm sàng, điều đầu tiên các em cần làm là công tác chuẩn bị. Đối với mỗi đợt trước khi đi bệnh viện học, các thầy cô đều phổ biến mục tiêu, các nội dung các em cần phải đạt được, suy ra các em có thể ‘điểm danh’ được những mặt bệnh mình sẽ gặp trên người bệnh. Từ đó, các em sẽ đọc và xem lại phần lý thuyết đã được học trên giảng đường và tìm tòi đọc thêm sách về các bệnh hay chủ để đó. Điều kiện tiên quyết giúp các em học lâm sàng hiệu quản là phải nắm thật vững kiến thức lý thuyết. Vì đối với ngành y thường sẽ có một ‘khoảng trống’ nhất định giữa lý thuyết và thực tập bệnh viện, nói theo cách dễ hiểu là lý thuyết là một chuyện nhưng thực tế có thể hơi khác Vậy nên, nếu lý thuyết mà còn chưa nắm vững được thì rõ ràng việc học lâm sàng sẽ rất khó khăn. Công việc tiếp theo cần chuẩn bị của người học là các đồ dùng học tập phục vụ cho việc học như ống nghe, đèn soi đồng tử, búa phản xạ, sổ lâm sàng, quần áo blu sạch sẽ, mũ, khẩu trang và thẻ sinh viên. Việc trang phục, đầu tóc gọn gàng sẽ giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp với người bệnh và các nhân viên y tế. Trong số các đồ dùng học tập trên, sổ lâm sàng là rất quan trọng và không thể thiếu. Người học nên sắm cho mình một cuốn sổ nhỏ bỏ vừa vào túi áo blu và luôn mang theo bên mình để có thể ghi chép được ngay mỗi khi học được điều gì hay; sổ có bìa nên bằng vật liệu không thấm nước và cứng để tránh nhàu nát và ướt sổ vì đi bệnh viện rất hay phải rửa tay. Nội dung ghi trong sổ sẽ là bất cứ điều gì mà người học cảm thấy hay, thấy bổ ích, thấy cần thiết từ chuyên môn đến giao tiếp với người bệnh. Và sẽ lưu lại sổ này cho đợt thực tập tiếp theo, ở khoa khác và bệnh viện khác, từ đó, khi ra trường, các em sẽ có một cuốn sổ thật sự quý giá với bao kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được trong cả quá trình học. Có nhiều phương pháp học, nhưng quan sát là một phương pháp học tốt tại bệnh viện. Các em hãy quan sát kỹ mọi thứ diễn tra trong suốt các buổi học: từ các dấu hiệu, chiệu trứng của bệnh, các hiện tượng bất thường mà đáng lẽ nó không có, từ màu sắc, số lượng, tính chất các dịch của người bệnh, từ cách bố trí khoa phòng của bệnh viện hay các phản ứng của người bệnh v.v… Khi biết cách quan sát lâu dần các em sẽ hình thành được kỹ năng gọi là ‘phản xạ lâm sàng’, tức là chỉ cần nhìn, nghe, tiếp xúc nhanh một cái là biết ngay người bệnh có vấn đề gì và cần xử trí, chăm sóc gì. Tất nhiên, kiến thức lý thuyết vẫn là nền tảng các em nhé. Sinh viên THUV tham quan, trải nhiệm và học tập tại bệnh viện ở Nhật