SỰ ĐỘC ĐÁO TRONG NGÔN NGỮ và VĂN HÓA NHẬT BẢN 🇯🇵 🇯🇵
Những người đã từng đặt chân đến Nhật Bản hay tìm hiểu văn hóa của quốc gia này có lẽ đã quá quen thuộc với câu nói “Itadakimasu”. Itadakimasu thường được người Nhật nói trước bữa ăn, kèm theo hành động chắp tay kính cẩn. Đây được xem là phép lịch sự, cách người nói cảm ơn vì bữa ăn. Tuy nhiên, Itadakimasu không chỉ đơn thuần là lời cảm ơn. Vậy ý nghĩa của Itadakimasu là gì? Và tại sao người Nhật lại nói Itadakimasu trước khi dùng bữa?
Itadakimasu này được rút gọn từ câu: “あなたの命を、わたくしの命にさせていただきます”, trong đó:
- あなたのnghĩa là của bạn
- 命nghĩa là sự sống, sinh mệnh
- わたくしlà cách nói khiêm nhường của わたし, nghĩa là tôi
- させていただきます là là thể khiêm nhường của させてもらうnghĩa là xin phép đối phương được làm gì đó, hoặc thể hiện sự biết ơn
Câu nói trên có thể dịch là “Xin cảm ơn vì sự sống của bạn đã nuôi sống tôi.”
Bên cạnh ý nghĩa cảm ơn, trong nhiều trường hợp, Itadakimasu còn được hiểu theo nghĩa là “Mời ăn”, “Cảm ơn vì bữa ăn” hay “Chúc ăn ngon miệng”.
Để thể hiện lòng cảm ơn chân thành, khi nói Itadakimasu, người Nhật thường kèm theo hành động chắp tay. Cách thực hiện như sau: Ngồi ngay ngắn trước bàn và chắp hai tay lại, cúi đầu nói “Itadakimasu”
Tuy nhiên, Itadakimasu không chỉ gói gọn lời cảm ơn mà còn thể hiện quan niệm nhân sinh và triết lý sâu sắc. Ý nghĩa sâu xa của Itadakimasu là lời biết ơn với những vị Thần, cảm ơn thiên nhiên đã ban tặng thực phẩm, cảm ơn những người nông dân đã vất vả trên cánh đồng và cảm ơn những người chế biến và cả những người phục vụ món ăn.
Người Nhật có quan niệm “Trên mỗi hạt gạo có 7 vị thần”. Với họ, vạn vật hữu linh. Từ cỏ cây, trăng sao, chim muông, hoa lá sau khi chết đều sẽ trở thành “thần”. Họ cho rằng những sinh mệnh đã cống hiến thân mình để trở thành thức ăn cho con người đều là những vị thần đáng tôn kính. Vì thế, việc trân quý đồ ăn cũng chính là trân quý sự chăm sóc và bảo hộ của Thần dành cho con người.
Bên cạnh đó, người Nhật cũng có quan niệm rằng ăn không phải là việc hưởng thụ mà là việc cho đi. Dù bạn ăn mặn hay ăn chay, trước khi đặt lên đĩa, nó đã từng là một sinh mệnh sống động. Để duy trì sự sống cho con người, một sinh mệnh khác buộc phải hy sinh, và vòng tuần hoàn đó cũng tương tự như chuỗi thức ăn trong lý luận phương Tây, từ đó tạo nên vận động không ngừng của thế giới. Itadakimasu là sự biết ơn những sinh vật đã hy sinh để tạo ra bữa ăn cho con người. Đó có thể là thịt cá, cũng có thể là hạt gạo trong bát cơm, hạt đậu nành trong nước tương, thậm chí chỉ là một hạt muối mè. Khi đã xuất hiện trên trái đất này, vạn vật đều có sự sống và cần được tôn trọng, biết ơn khi sử dụng. Đồng thời, khi nói Itadakimasu, người Nhật cũng tự nhắc nhở mình phải ăn thật ngon và ăn cho hết. Lãng phí thức ăn, vì thế, được xem là sự xúc phạm với những sinh mệnh tự nhiên kia. Vì thế, đôi khi Itadakimasu cũng được dịch nôm na là “Tôi sẽ ăn thật ngon ạ!”.
Để thịt cá và rau củ trở thành món ăn ngon, không thể không có yếu tố con người. Cách nói “Itadakimasu” trước bữa ăn cũng nhắc nhở đến những đóng góp vô hình ấy. Để có được một món ăn phải là thành quả lao động của hàng trăm con người mà người ăn có thể không biết tên. Và nếu không có họ thì sẽ chẳng thể có nổi một bữa ăn ngon.
Cuối cùng, Itadakimasu còn là cách bày tỏ sự biết ơn những điều tốt đẹp ngay trước mặt. Khi được mời đến nhà và được thiết đãi, điều đầu tiên khách phải nói trước bữa ăn chính là itadakimasu, với ý nghĩa rất đơn giản và thực tế: “Cảm ơn đã cho tôi thức ăn, tôi sẽ kính trọng và ăn thật ngon”.
Ngày nay, “Itadakimasu” trở thành phong tục không thể thiếu trước bữa ăn và là một trong những chuẩn mực đánh giá đạo đức của con người trong quan niệm của người Nhật. Khi đứng trước bữa ăn, người Nhật sẽ nhớ đến ý nghĩa triết học sâu sắc của cho và nhận. Từ đó, hướng sự kính cẩn tới vạn vật, từ tự nhiên cho đến con người.
Chỉ với một câu từ “Itadakimasu”, nhưng đã thể hiện ra cả một sự tinh tế trong văn hóa ứng xử của người Nhật. Văn hóa sinh ngôn ngữ, ngôn ngữ lại là cách để thể hiện văn hóa. Trong ngôn ngữ Nhật Bản, từng nét màu văn hóa đều được tô đậm và biểu đạt rõ nét. Không chỉ vậy, ngôn ngữ còn thể hiện được cả những đức tính khiêm nhường, kiên nhẫn đáng quý trọng của con người Nhật Bản. Khi học tiếng Nhật, không đơn thuần là chúng ta học thêm một ngoại ngữ mới, mà đồng thời, chúng ta còn khám phá thêm một nền văn hóa đặc sắc và đáng ngưỡng mộ
Tham khảo:
By: Dương Thị Thu Hương
🏮🎎🎐🇯🇵🏮🎎🎐🇯🇵🏮🎎🎐🇯🇵🏮🎎🎐🇯🇵🏮🎎🎐🇯🇵🏮🎎🎐🇯🇵🏮🎎🎐🇯🇵🏮🎎🎐🇯🇵🏮🎎🎐🇯🇵🏮🎎🎐🇯🇵
TUYỂN SINH 2023
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ - tư vấn.
Hotline: 0869 809 088
Email: [email protected]
Hẹn gặp lại các bạn tại THUV.